Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Kỷ niệm về Bác tại chiến khu Việt Bắc






Vào những ngày giáp Tết năm 2012, một cụ già ngoài 80 tuổi đến Tòa soạn Báo CAND và Chuyên đề ANTG để đưa số tiền gần 2 triệu đồng vào quỹ từ thiện. Thì ra, số tiền này là tất cả quỹ của các bác cựu chiến binh lo chuyện hậu cần trên An toàn khu (ATK) sau ngày đất nước giải phóng về công tác tại thủ đô Hà Nội.

Vào những năm cuối thập niên 80, những người chiến sĩ chuyên lo chuyện hậu cần ngày Toàn quốc kháng chiến khi đó (1945-1954) đã tập hợp nhau lại để lập ra một tổ các cựu chiến binh ATK sinh sống tại Hà Nội. Tổ cựu chiến binh này có 30 người, cho đến nay đã mất một nửa. Hiện nay, người trẻ nhất đã ngoài 80, người nhiều tuổi cũng gần 100. Trước đây, hằng năm một đôi lần các cựu chiến binh của ATK tổ chức gặp gỡ nhưng giờ bác nào cũng già yếu, một số người ốm nặng không thể đi lại được. Tổ ATK này tất cả không thể gặp gỡ nhau định kỳ hàng năm được nữa. Các cựu chiến binh đã đem toàn bộ số tiền của quỹ nhờ báo chuyển đến trẻ em nghèo.

Ông Nguyễn Văn Côn được xem là lứa trẻ nhất của các cựu chiến binh ATK, sau ngày đất nước giành độc lập, sinh sống tại Hà Nội. Ông đã 84 tuổi. Ngôi nhà của ông trên con phố nhà binh Lý Nam Đế là nơi lý tưởng để tổ cựu chiến binh ATK ở Hà Nội tổ chức gặp mặt hằng năm. Ông cũng là tổ trưởng cuối cùng của tổ cựu chiến binh ATK được lập ra tại thủ đô sau này. Trước đây, tổ trưởng là ông Nguyễn Văn Thịnh.

Hôm các bác cựu chiến binh hẹn gặp tôi, ngoài bác Côn còn có bác Nguyễn Văn Tùng, bác Nguyễn Văn Thịnh và phần đời tươi đẹp của những ngày toàn quốc kháng chiến khi đó lại ùa về. Vẫn vẹn nguyên một ký ức hào hùng và bi tráng. Họ, bồi hồi nhớ lại kỷ niệm đầu đời về ngày lên chiến khu Việt Bắc.


Bữa cơm thân mật của Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc.

Năm 1947, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, và khí thế sôi sục hào hùng của lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những chàng trai, cô gái hăm hở lên chiến khu Việt Bắc. Họ còn rất trẻ chỉ vừa tròn mười sáu đôi mươi và  mang trong mình cả bầu nhiệt huyết. Công việc của các bác trên chiến khu ngày đó thật vô cùng phong phú, họ được giao cho lo toàn bộ chuyện hậu cần phục vụ Chính phủ và Trung ương Đảng. Từ làm nhà, trồng chọt, chăn nuôi, mua bán, phân phối thực phẩm, quân nhu, nấu bếp, vận chuyển lương thực… nghĩa là trăm thứ bà rằn để phục vụ cuộc sống sinh hoạt trên chiến khu được tốt nhất.

ATK ngày đó có nhiều tổ lo chuyện hậu cần, thôi thì đủ cả từ chuyện trồng rau xanh đến làm chuồng trại để chăn nuôi bò, lợn. Hay tổ may vá, tổ phân phát quân nhu, lương thực, tổ bếp. Những chàng trai, cô gái khi đó lo từ cái kim, sợi chỉ, vải may áo, đôi dép, bộ phận xay giã, đến việc làm nhà trên ATK.

Ông Thịnh nhớ lại: Ngày đó khi làm nhà phải đạt được yếu tố "trên kín dưới thoáng". Làm nhà tranh tre. Trên lợp lá cọ, xung quanh đan nứa lợp thành vách. Những ngôi nhà nhỏ xinh xắn được núp dưới tán lá cây xanh vừa để ở, vừa để tránh máy bay địch. Ông Thịnh là người tham gia làm nhà cho Tổng Bí thư Trường Chinh nhớ lại, khi làm ngôi nhà tre này tất cả những nút buộc lá cọ phải được hất lên trên thẳng hàng, ngay ngắn. Ngôi nhà mà các chiến sĩ hậu cần lợp là nhà khách của Văn phòng Trung ương có sức chứa hàng mấy trăm người. Tại đây, thỉnh thoảng mọi người lại đến nghe thời sự. Nhưng, những ngôi nhà không cố định, thỉnh thoảng lại phải thay đổi địa điểm để bảo toàn cho hoạt động bí mật của Đảng, của Chính phủ. Mùa khô, mọi người dựng những ngôi nhà ở trên cao. Vào mùa nước tháng 4, tháng 5, mọi người lại được đưa xuống.

Tổ công tác trên ATK còn có nhiệm vụ về Hà Nội đưa các thân hào, thân sĩ hay người của các Bộ lên ATK. Mỗi một chuyến đi đưa người lên chiến khu có hai người của tổ công tác ATK dẫn đường. Thân hào, thân sĩ ở Hà Nội như các ông Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Vi Văn Định, Phan Anh (Bộ trưởng Kinh tế), Hoàng Minh Giám (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) khi đi lên chiến khu cũng đều có hai người của tổ công tác ATK dẫn đường…

Ngoài các cán bộ của Đảng, Chính phủ, các nhà trí thức còn đưa cả gia đình vợ con theo, hoặc một số người lên trước, sau có điều kiện về đón lên dần dần. Tổ công tác còn lo gạo nước. Sau này gọi là Ban tiếp tế. Thường mỗi nhóm đi đông cũng chỉ có 7, 8 người, hoặc 5, 6 người.  Đi từng gia đình. Từ Hà Nội lên chiến khu ATK có mấy đường đi. Đi từ Chèm lên Thái Nguyên. Hay vào Hà Đông, đi lên Mai Lĩnh, qua Phú Thọ, Việt Trì, rồi đến Bình Ca, lên Tân trào. Một đường  nữa là đi từ Vĩnh Yên lên Tân Trào.

Thật khó tưởng tượng nổi, ngày đó phương tiện đi lại chủ yếu là đi bộ và xa xỉ lắm mới có xe đạp. Do đường bị phá hoại nên không đi ôtô được. Thường mỗi chuyến đi kéo dài hàng tuần, có lúc đường xấu phải đi đường vòng mất hai tuần mới lên được chiến khu. Để lên được đến nơi thì cũng mất cả hàng trăm cây số nên đến khi tối trời thì mọi người lại kéo cả vào nhà dân nghỉ. Hoặc cán bộ của các Bộ thì đến Ủy ban của tỉnh đi qua xuất trình giấy thông hành để nghỉ lại. Cuộc đi kéo dài hàng tháng các Bộ mới đến đủ.

Hai cựu chiến binh ATK Nguyễn Văn Côn và Nguyễn Văn Thịnh vui vẻ trò chuyện.

Thoạt đầu mọi người lên đến ATK thì lưu trú tại nhà dân, sau đó có Ban công tác đội lo làm nhà cho các cán bộ lãnh đạo và các Bộ của Chính phủ. Khi làm nhà ngoài các dân quân trên chiến khu còn có người dân địa phương hăng hái góp sức. Sau này mọi người đều có chỗ ở, trả lại nhà cho dân. Cuộc sống ban đầu khó khăn, gạo thiếu, rau thiếu, sau đó Bác Hồ vận động các Bộ tự trồng rau lấy ăn. Gạo thì cụ Nguyễn Lương Bằng được Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo lo việc tiếp tế gạo. Phải có kho gạo để các Bộ đến lấy.

Trên ATK ngày đó có rất nhiều thân hào, thân sĩ nên quán triệt tinh thần, không thể để các trí thức thiếu thốn được. Có một tổ chuyên lo việc ăn uống. Ông Thịnh ngày đó làm trong Ban tiếp tế. Ban này có đến ngót nghét 60 người. Hằng ngày mọi người trong Tổ đi mua đồ ở Vĩnh Yên lên, rồi họ cùng nhau xay lúa, giã gạo. Ông bảo: "Tôi giữ kho gạo Thanh La, vì địa danh là làng Thanh La. Sau này thì tổ chức thành Ban tiếp tế. Cụ Nguyễn Lương Bằng được gọi là anh Cả. Mọi người đều quen gọi cụ Nguyễn Lương Bằng là anh Cả hết. Chính phủ họp ở Thác Dẫng, chúng tôi đến phục vụ cơm, trà nước. Bác Hồ không ở Văn phòng Phủ Chủ tịch mà Bác ở bờ suối, cùng với 8 anh Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi chỗ truy điệu ông Stalin". Lán của Bác ở giữa đèo De.

Càng thân hào, thân sĩ thì lại càng phải đảm bảo chỗ ở an ninh tốt hơn. Ông Bùi Bằng Đoàn ở cùng ông Lê Giản (Giám đốc Công an). Sau năm 1947, Pháp cho quân nhảy dù xuống Việt Bắc nên việc sống và sinh hoạt của các đồng chí lãnh đạo hay các nhà trí thức cần phải ở kín đáo hơn. Những ngôi nhà được dựng lên dọc bờ suối phải không ai biết cả. Những ngôi nhà sâu lắm, ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Những ngôi nhà có thể thoát hiểm, đều có đường đi sang Bắc Cạn được, qua đèo De.  Nếu Pháp có nhảy dù thì cán bộ chiến sĩ còn có mấy con đường thoát hiểm.

Con đường ở tỉnh Sơn Dương, huyện Tuyên Quang xuống tận Vĩnh Yên để mua hàng cung cấp. Mấy chục cây số cán bộ ở đấy trà trộn vào những người đi buôn để đảm bảo bí mật.  Các anh ở  tổ thực phẩm còn mua hạt rau để các Bộ tự gieo lấy rau xanh ăn. Cả hai cơ quan Chính phủ và Trung ương Đảng đều có một khu chăn nuôi.  Ở Sơn Dương có trại nuôi bò, nuôi lợn. Gần địa danh Chiêm Hóa, chú ruột của Nguyễn Đức Tâm (một chiến sĩ trên ATK lo hậu cần) là Nguyễn Đức Mi về sau trở thành chiến sĩ được Bác Hồ thưởng cho áo vì có thành tích về chăn nuôi.

Lo công việc hậu cần còn có  6, 7 người làm công tác chăn nuôi. Một công việc cũng không kém quan trọng là tạp vụ, chuyên đi mua bán, hậu cần, vận chuyển… May quần áo thì có 5 người chính thức, Nghị, Bảo, Thông… Bác Côn phụ trách trạm giao thông được 2 năm. Năm 1947 mới thành lập ban ATK. Lúc đầu chỉ gọi là Tổ công tác, sau này gọi là Ban hậu cần do cụ Trần Đăng Ninh phụ trách. Sau khi thỏa thuận ngừng bắn ký trong Tạm ước ngày 14/9, không được thực hiện, ngay lập tức Bác giao cho anh Cả (đồng chí Nguyễn Lương Bằng) vận chuyển kho muối ở Khu 3 lên.

Và kho muối ấy suốt trong 9  năm kháng chiến, các chiến sĩ vẫn tiếp tục đưa muối ở khu 3 lên bằng đường bộ. Có những hạt muối thấm máu ở trên dốc Cuông. Khi các cán bộ chiến sĩ hậu cần gánh muối bị giặc Pháp phục kích và sau này năm 1952 có Sở Thương nghiệp nhưng trên ATK vẫn có Ban riêng chuyên vận chuyển muối từ Khu 3 lên. Thậm chí huy động cả voi để vận chuyển muối.  Sau khi hòa bình lập lại (1954) thì kho muối có thể dùng 10 năm nữa vẫn chưa hết.  "Muối đóng chắc lại chúng tôi phải lấy cuốc bổ..." - ông Nguyễn Văn Tùng cho biết.

Hai cựu chiến binh Nguyễn Văn Tùng và Nguyễn Văn Côn nói chuyện về ATK.

"Thác Dẫng  có thể coi là thủ đô của Chính phủ ngày Toàn quốc kháng chiến đóng ở đấy, làm nhà khang trang lắm.  Sau năm 1952, tôi công tác ở trạm phân phối số 2.  Đến năm 2000, đoàn chúng tôi mới tổ chức  anh em trên 20  người lên thăm lại ATK, dân họ ở  đấy, lên Ban  quản lý di tích ATK  hỏi… Chúng tôi mới phản ảnh trên bờ sông Đáy có cái thác Dẫng rất đáng để lưu niệm.  Chỗ đó đáng ghi nhớ là vì hai lần Chính phủ về đóng ở đấy, địa danh rất đẹp.

Ban Tuyên giáo Tuyên huấn của Tuyên Quang có cử cán bộ về gặp, xác nhận  trung tâm của Chính phủ trong thời kỳ chống Pháp. Nhà của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà Bác ở, chỗ họp của Chính phủ… bây giờ đang phục chế.  Chỗ ở khung cảnh thiên nhiên đẹp lắm, ăn rồi ra sông suối rửa bát.  Đó thực sự là một di tích lịch sử quốc gia. Văn  phòng Chính phủ đóng ở đấy. Với cả một quần thể Bộ Tài chính đóng ở làng Sảo. Bộ Ngoại giao thì đóng ở làng Giổn. Bộ Kinh tế đóng ở cầu Bì. Bộ Công an ở trên bờ vực Bộc. ATK chia ra trung tuyến, nội tuyến…." - Các bác trong Ban hậu cần của ATK bồi hồi nhớ lại.

Về sau tình hình khá hơn có xe đạp,  chỗ ngoài cầu Bì, huyện Sơn Dương còn có bộ phận trông xe đạp.  Các cơ quan có xe đạp muốn vào trong trung tâm thì để xe vào đấy. Cầu Bì ở bên ngoài cách cơ quan kiểm soát khoảng 2km. Trong này là kho,  các cơ quan ra đấy nhận vải, quần áo,  đi sâu  là thác Dẫng.  Trạm xa nhất là làng Chạm. Mọi lương thực thực phẩm, quân trang đều được vận chuyển bằng đòn gánh.  Địa hình có lợi thế là có dòng sông Đáy. Có đội thuyền khoảng 10 người trong tổ chèo thuyền vận chuyển. Sáng anh em chất hàng lên thuyền đi ngược lên đến làng  Chạp, có hôm đi qua dòng sông Đáy còn thấy Bác ngồi câu.  Hầu hết các cơ quan cứ men theo bờ sông để đóng.  Sau năm 1954 một số anh em thì về Phủ thủ tướng. Một số công tác tại Hà Nội gặp nhau, thì không còn Ban ATK. Mỗi người đi mỗi nơi.

Năm 1987, bác Côn về hưu rủ nhau lập Ban ATK những người sinh sống tại Hà Nội. Ban đầu đến 60, 70 người nhưng rồi cũng không liên lạc hết được. Danh sách viết ra được 30 người, giờ đã vợi đi gần nửa. Các bác bảo: "Đây là tổ chức tình cảm, gặp nhau hàng năm ôn lại năm tháng kháng chiến chống Pháp khi xưa…". Nghe các bác kể, những năm đầu cựu chiến binh ATK ở Hà Nội gặp mặt có Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến. Bác  Đồng còn tặng cho mỗi người một cái bút máy. Mọi cuộc gặp mặt khi thì tập trung ở nhà bác Côn, lúc ở nhà bác Kim trên phố  Lý Nam Đế.  Ban ATK ở Hà Nội này có 30 người thì có 12 là nữ.  Bác Loan, bác Tấn, bác Lịch, bà Phương… bây giờ tất cả đều ngoài 80 tuổi. Có người hơn 90, lại có người gần 100 tuổi

  Trần Mỹ Hiền
Iame sưu tầm theo cand

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | GreenGeeks Review