Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Những hình ảnh hiếm hoi của Bác tại chiến Khu Việt Bắc

Cùng IAME điểm lại những hình ảnh hiếm hoi của Bác tại vùng chiến khu Việt Bắc đến khoảng những năm 1960.
Bác Hồ với các đại biểu chiến sĩ thi đua toàn quốc ở chiến khu Việt Bắc (TL - TNN st)
 
 Bác Hồ trên đường công tác ở Việt Bắc. Ảnh: Tư liệu

Bác Hồ tăng gia ở chiến khu Việt Bắc 

 Bác Hồ tại ATK Định Hóa 1947


 Bác Hồ và bữa cơm thân mật cùng các chiến sĩ ở Chiến khu Việt Bắc

Bác đi chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947

 Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc



 Bác Hồ tại lán Hang Bòng Tân Trào- Sơn Dương- Tuyên Quang năm, năm 1951


Bác câu cá ở Việt Bắc, 1950

Bác ở Việt Bắc, 1951

 Bác với thiếu nhi Việt Bắc , 1960

Kỷ niệm về Bác tại chiến khu Việt Bắc






Vào những ngày giáp Tết năm 2012, một cụ già ngoài 80 tuổi đến Tòa soạn Báo CAND và Chuyên đề ANTG để đưa số tiền gần 2 triệu đồng vào quỹ từ thiện. Thì ra, số tiền này là tất cả quỹ của các bác cựu chiến binh lo chuyện hậu cần trên An toàn khu (ATK) sau ngày đất nước giải phóng về công tác tại thủ đô Hà Nội.

Vào những năm cuối thập niên 80, những người chiến sĩ chuyên lo chuyện hậu cần ngày Toàn quốc kháng chiến khi đó (1945-1954) đã tập hợp nhau lại để lập ra một tổ các cựu chiến binh ATK sinh sống tại Hà Nội. Tổ cựu chiến binh này có 30 người, cho đến nay đã mất một nửa. Hiện nay, người trẻ nhất đã ngoài 80, người nhiều tuổi cũng gần 100. Trước đây, hằng năm một đôi lần các cựu chiến binh của ATK tổ chức gặp gỡ nhưng giờ bác nào cũng già yếu, một số người ốm nặng không thể đi lại được. Tổ ATK này tất cả không thể gặp gỡ nhau định kỳ hàng năm được nữa. Các cựu chiến binh đã đem toàn bộ số tiền của quỹ nhờ báo chuyển đến trẻ em nghèo.

Ông Nguyễn Văn Côn được xem là lứa trẻ nhất của các cựu chiến binh ATK, sau ngày đất nước giành độc lập, sinh sống tại Hà Nội. Ông đã 84 tuổi. Ngôi nhà của ông trên con phố nhà binh Lý Nam Đế là nơi lý tưởng để tổ cựu chiến binh ATK ở Hà Nội tổ chức gặp mặt hằng năm. Ông cũng là tổ trưởng cuối cùng của tổ cựu chiến binh ATK được lập ra tại thủ đô sau này. Trước đây, tổ trưởng là ông Nguyễn Văn Thịnh.

Hôm các bác cựu chiến binh hẹn gặp tôi, ngoài bác Côn còn có bác Nguyễn Văn Tùng, bác Nguyễn Văn Thịnh và phần đời tươi đẹp của những ngày toàn quốc kháng chiến khi đó lại ùa về. Vẫn vẹn nguyên một ký ức hào hùng và bi tráng. Họ, bồi hồi nhớ lại kỷ niệm đầu đời về ngày lên chiến khu Việt Bắc.


Bữa cơm thân mật của Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc.

Năm 1947, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, và khí thế sôi sục hào hùng của lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những chàng trai, cô gái hăm hở lên chiến khu Việt Bắc. Họ còn rất trẻ chỉ vừa tròn mười sáu đôi mươi và  mang trong mình cả bầu nhiệt huyết. Công việc của các bác trên chiến khu ngày đó thật vô cùng phong phú, họ được giao cho lo toàn bộ chuyện hậu cần phục vụ Chính phủ và Trung ương Đảng. Từ làm nhà, trồng chọt, chăn nuôi, mua bán, phân phối thực phẩm, quân nhu, nấu bếp, vận chuyển lương thực… nghĩa là trăm thứ bà rằn để phục vụ cuộc sống sinh hoạt trên chiến khu được tốt nhất.

ATK ngày đó có nhiều tổ lo chuyện hậu cần, thôi thì đủ cả từ chuyện trồng rau xanh đến làm chuồng trại để chăn nuôi bò, lợn. Hay tổ may vá, tổ phân phát quân nhu, lương thực, tổ bếp. Những chàng trai, cô gái khi đó lo từ cái kim, sợi chỉ, vải may áo, đôi dép, bộ phận xay giã, đến việc làm nhà trên ATK.

Ông Thịnh nhớ lại: Ngày đó khi làm nhà phải đạt được yếu tố "trên kín dưới thoáng". Làm nhà tranh tre. Trên lợp lá cọ, xung quanh đan nứa lợp thành vách. Những ngôi nhà nhỏ xinh xắn được núp dưới tán lá cây xanh vừa để ở, vừa để tránh máy bay địch. Ông Thịnh là người tham gia làm nhà cho Tổng Bí thư Trường Chinh nhớ lại, khi làm ngôi nhà tre này tất cả những nút buộc lá cọ phải được hất lên trên thẳng hàng, ngay ngắn. Ngôi nhà mà các chiến sĩ hậu cần lợp là nhà khách của Văn phòng Trung ương có sức chứa hàng mấy trăm người. Tại đây, thỉnh thoảng mọi người lại đến nghe thời sự. Nhưng, những ngôi nhà không cố định, thỉnh thoảng lại phải thay đổi địa điểm để bảo toàn cho hoạt động bí mật của Đảng, của Chính phủ. Mùa khô, mọi người dựng những ngôi nhà ở trên cao. Vào mùa nước tháng 4, tháng 5, mọi người lại được đưa xuống.

Tổ công tác trên ATK còn có nhiệm vụ về Hà Nội đưa các thân hào, thân sĩ hay người của các Bộ lên ATK. Mỗi một chuyến đi đưa người lên chiến khu có hai người của tổ công tác ATK dẫn đường. Thân hào, thân sĩ ở Hà Nội như các ông Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Vi Văn Định, Phan Anh (Bộ trưởng Kinh tế), Hoàng Minh Giám (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) khi đi lên chiến khu cũng đều có hai người của tổ công tác ATK dẫn đường…

Ngoài các cán bộ của Đảng, Chính phủ, các nhà trí thức còn đưa cả gia đình vợ con theo, hoặc một số người lên trước, sau có điều kiện về đón lên dần dần. Tổ công tác còn lo gạo nước. Sau này gọi là Ban tiếp tế. Thường mỗi nhóm đi đông cũng chỉ có 7, 8 người, hoặc 5, 6 người.  Đi từng gia đình. Từ Hà Nội lên chiến khu ATK có mấy đường đi. Đi từ Chèm lên Thái Nguyên. Hay vào Hà Đông, đi lên Mai Lĩnh, qua Phú Thọ, Việt Trì, rồi đến Bình Ca, lên Tân trào. Một đường  nữa là đi từ Vĩnh Yên lên Tân Trào.

Thật khó tưởng tượng nổi, ngày đó phương tiện đi lại chủ yếu là đi bộ và xa xỉ lắm mới có xe đạp. Do đường bị phá hoại nên không đi ôtô được. Thường mỗi chuyến đi kéo dài hàng tuần, có lúc đường xấu phải đi đường vòng mất hai tuần mới lên được chiến khu. Để lên được đến nơi thì cũng mất cả hàng trăm cây số nên đến khi tối trời thì mọi người lại kéo cả vào nhà dân nghỉ. Hoặc cán bộ của các Bộ thì đến Ủy ban của tỉnh đi qua xuất trình giấy thông hành để nghỉ lại. Cuộc đi kéo dài hàng tháng các Bộ mới đến đủ.

Hai cựu chiến binh ATK Nguyễn Văn Côn và Nguyễn Văn Thịnh vui vẻ trò chuyện.

Thoạt đầu mọi người lên đến ATK thì lưu trú tại nhà dân, sau đó có Ban công tác đội lo làm nhà cho các cán bộ lãnh đạo và các Bộ của Chính phủ. Khi làm nhà ngoài các dân quân trên chiến khu còn có người dân địa phương hăng hái góp sức. Sau này mọi người đều có chỗ ở, trả lại nhà cho dân. Cuộc sống ban đầu khó khăn, gạo thiếu, rau thiếu, sau đó Bác Hồ vận động các Bộ tự trồng rau lấy ăn. Gạo thì cụ Nguyễn Lương Bằng được Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo lo việc tiếp tế gạo. Phải có kho gạo để các Bộ đến lấy.

Trên ATK ngày đó có rất nhiều thân hào, thân sĩ nên quán triệt tinh thần, không thể để các trí thức thiếu thốn được. Có một tổ chuyên lo việc ăn uống. Ông Thịnh ngày đó làm trong Ban tiếp tế. Ban này có đến ngót nghét 60 người. Hằng ngày mọi người trong Tổ đi mua đồ ở Vĩnh Yên lên, rồi họ cùng nhau xay lúa, giã gạo. Ông bảo: "Tôi giữ kho gạo Thanh La, vì địa danh là làng Thanh La. Sau này thì tổ chức thành Ban tiếp tế. Cụ Nguyễn Lương Bằng được gọi là anh Cả. Mọi người đều quen gọi cụ Nguyễn Lương Bằng là anh Cả hết. Chính phủ họp ở Thác Dẫng, chúng tôi đến phục vụ cơm, trà nước. Bác Hồ không ở Văn phòng Phủ Chủ tịch mà Bác ở bờ suối, cùng với 8 anh Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi chỗ truy điệu ông Stalin". Lán của Bác ở giữa đèo De.

Càng thân hào, thân sĩ thì lại càng phải đảm bảo chỗ ở an ninh tốt hơn. Ông Bùi Bằng Đoàn ở cùng ông Lê Giản (Giám đốc Công an). Sau năm 1947, Pháp cho quân nhảy dù xuống Việt Bắc nên việc sống và sinh hoạt của các đồng chí lãnh đạo hay các nhà trí thức cần phải ở kín đáo hơn. Những ngôi nhà được dựng lên dọc bờ suối phải không ai biết cả. Những ngôi nhà sâu lắm, ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Những ngôi nhà có thể thoát hiểm, đều có đường đi sang Bắc Cạn được, qua đèo De.  Nếu Pháp có nhảy dù thì cán bộ chiến sĩ còn có mấy con đường thoát hiểm.

Con đường ở tỉnh Sơn Dương, huyện Tuyên Quang xuống tận Vĩnh Yên để mua hàng cung cấp. Mấy chục cây số cán bộ ở đấy trà trộn vào những người đi buôn để đảm bảo bí mật.  Các anh ở  tổ thực phẩm còn mua hạt rau để các Bộ tự gieo lấy rau xanh ăn. Cả hai cơ quan Chính phủ và Trung ương Đảng đều có một khu chăn nuôi.  Ở Sơn Dương có trại nuôi bò, nuôi lợn. Gần địa danh Chiêm Hóa, chú ruột của Nguyễn Đức Tâm (một chiến sĩ trên ATK lo hậu cần) là Nguyễn Đức Mi về sau trở thành chiến sĩ được Bác Hồ thưởng cho áo vì có thành tích về chăn nuôi.

Lo công việc hậu cần còn có  6, 7 người làm công tác chăn nuôi. Một công việc cũng không kém quan trọng là tạp vụ, chuyên đi mua bán, hậu cần, vận chuyển… May quần áo thì có 5 người chính thức, Nghị, Bảo, Thông… Bác Côn phụ trách trạm giao thông được 2 năm. Năm 1947 mới thành lập ban ATK. Lúc đầu chỉ gọi là Tổ công tác, sau này gọi là Ban hậu cần do cụ Trần Đăng Ninh phụ trách. Sau khi thỏa thuận ngừng bắn ký trong Tạm ước ngày 14/9, không được thực hiện, ngay lập tức Bác giao cho anh Cả (đồng chí Nguyễn Lương Bằng) vận chuyển kho muối ở Khu 3 lên.

Và kho muối ấy suốt trong 9  năm kháng chiến, các chiến sĩ vẫn tiếp tục đưa muối ở khu 3 lên bằng đường bộ. Có những hạt muối thấm máu ở trên dốc Cuông. Khi các cán bộ chiến sĩ hậu cần gánh muối bị giặc Pháp phục kích và sau này năm 1952 có Sở Thương nghiệp nhưng trên ATK vẫn có Ban riêng chuyên vận chuyển muối từ Khu 3 lên. Thậm chí huy động cả voi để vận chuyển muối.  Sau khi hòa bình lập lại (1954) thì kho muối có thể dùng 10 năm nữa vẫn chưa hết.  "Muối đóng chắc lại chúng tôi phải lấy cuốc bổ..." - ông Nguyễn Văn Tùng cho biết.

Hai cựu chiến binh Nguyễn Văn Tùng và Nguyễn Văn Côn nói chuyện về ATK.

"Thác Dẫng  có thể coi là thủ đô của Chính phủ ngày Toàn quốc kháng chiến đóng ở đấy, làm nhà khang trang lắm.  Sau năm 1952, tôi công tác ở trạm phân phối số 2.  Đến năm 2000, đoàn chúng tôi mới tổ chức  anh em trên 20  người lên thăm lại ATK, dân họ ở  đấy, lên Ban  quản lý di tích ATK  hỏi… Chúng tôi mới phản ảnh trên bờ sông Đáy có cái thác Dẫng rất đáng để lưu niệm.  Chỗ đó đáng ghi nhớ là vì hai lần Chính phủ về đóng ở đấy, địa danh rất đẹp.

Ban Tuyên giáo Tuyên huấn của Tuyên Quang có cử cán bộ về gặp, xác nhận  trung tâm của Chính phủ trong thời kỳ chống Pháp. Nhà của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà Bác ở, chỗ họp của Chính phủ… bây giờ đang phục chế.  Chỗ ở khung cảnh thiên nhiên đẹp lắm, ăn rồi ra sông suối rửa bát.  Đó thực sự là một di tích lịch sử quốc gia. Văn  phòng Chính phủ đóng ở đấy. Với cả một quần thể Bộ Tài chính đóng ở làng Sảo. Bộ Ngoại giao thì đóng ở làng Giổn. Bộ Kinh tế đóng ở cầu Bì. Bộ Công an ở trên bờ vực Bộc. ATK chia ra trung tuyến, nội tuyến…." - Các bác trong Ban hậu cần của ATK bồi hồi nhớ lại.

Về sau tình hình khá hơn có xe đạp,  chỗ ngoài cầu Bì, huyện Sơn Dương còn có bộ phận trông xe đạp.  Các cơ quan có xe đạp muốn vào trong trung tâm thì để xe vào đấy. Cầu Bì ở bên ngoài cách cơ quan kiểm soát khoảng 2km. Trong này là kho,  các cơ quan ra đấy nhận vải, quần áo,  đi sâu  là thác Dẫng.  Trạm xa nhất là làng Chạm. Mọi lương thực thực phẩm, quân trang đều được vận chuyển bằng đòn gánh.  Địa hình có lợi thế là có dòng sông Đáy. Có đội thuyền khoảng 10 người trong tổ chèo thuyền vận chuyển. Sáng anh em chất hàng lên thuyền đi ngược lên đến làng  Chạp, có hôm đi qua dòng sông Đáy còn thấy Bác ngồi câu.  Hầu hết các cơ quan cứ men theo bờ sông để đóng.  Sau năm 1954 một số anh em thì về Phủ thủ tướng. Một số công tác tại Hà Nội gặp nhau, thì không còn Ban ATK. Mỗi người đi mỗi nơi.

Năm 1987, bác Côn về hưu rủ nhau lập Ban ATK những người sinh sống tại Hà Nội. Ban đầu đến 60, 70 người nhưng rồi cũng không liên lạc hết được. Danh sách viết ra được 30 người, giờ đã vợi đi gần nửa. Các bác bảo: "Đây là tổ chức tình cảm, gặp nhau hàng năm ôn lại năm tháng kháng chiến chống Pháp khi xưa…". Nghe các bác kể, những năm đầu cựu chiến binh ATK ở Hà Nội gặp mặt có Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến. Bác  Đồng còn tặng cho mỗi người một cái bút máy. Mọi cuộc gặp mặt khi thì tập trung ở nhà bác Côn, lúc ở nhà bác Kim trên phố  Lý Nam Đế.  Ban ATK ở Hà Nội này có 30 người thì có 12 là nữ.  Bác Loan, bác Tấn, bác Lịch, bà Phương… bây giờ tất cả đều ngoài 80 tuổi. Có người hơn 90, lại có người gần 100 tuổi

  Trần Mỹ Hiền
Iame sưu tầm theo cand

Đi thuyền trên sông Đáy - Hồ Chí Minh


ĐI THUYỀN TRÊN SÔNG ĐÁY
 
Dòng sông lặng ngắt như tờ
Sao đưa thuyền chạy thuyền chờ trăng theo
Bốn bề phong cảnh vắng teo
Chỉ nghe kót két tiếng chèo thuyền nan
Lòng riêng riêng những bàn hoàn
Lo sao khôi phục giang san tiên Rồng
Thuyền về trời đã rạng đông
Bao la nhuốm một mầu hồng đẹp tươi


Hồ Chí Minh
Danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng dân tộc
Viết tại ATK Việt Bắc ngày 18/8/1949
.
Iame sưu tầm

Ta tìm thấy người rồi ạ

Ông Hoàng Đạo Thuý sinh năm 1900, kém Bác Hồ mười tuổi, nhưng lại được Bác quý trọng, coi như người cùng lứa tác. Vốn là nhà giáo, ông sinh ra và lớn lên giữa phố phường Hà Nội, nhưng đi nhiều, hiểu biết nhiều trở thành nhà “ Hà Nội học”, nhà học giả có tiếng. Là một người tổ chức Hướng đạo đoàn, ông là một trong những người đề xướng và lãnh đạo “phong trào tìm đường với dân tộc” của hướng đạo sinh. Từ năm 1940, ông đã có liên lạc với một số nhà cách mạng như Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh, năm 1945, ông được Trần Quốc Hoàn, Hà Huy Giáp đưa l&ecir
Hồi kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc, ông đi dự lớp bồi dưỡng chính trị của cán bộ cấp cao. Một buổi chiều đến lớp, sợ khi về trời tối, ông cầm chiếc đèn dầu đi theo. Vừa qua mấy ruộng lúa, ông nghe thấy tiếng hỏi:
- Ông cụ đi tìm ai thế?
Biết là tiếng cụ Hồ, và biết Cụ nhắc đến điển tích Hy Lạp: Điôgien ban ngày cầm đèn ra đường tìm kiếm, ai hỏi thì bảo là “đi tìm người”, ông liền đáp:
- Thưa Cụ, tôi đã tìm thấy Người rồi ạ.
Cả hai ông cụ cùng cười, bước vào hội trường...
Một lần khác, ở mặt trận về Sơn Dương tham dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ, ông được ở gần Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một đêm trăng sáng, hai người thong thả dạo bước bên thác Dẫng sông Phó Đáy, Bác Hồ hỏi:
- Cụ đã đi nhiều nơi trên đất ta, Cụ có biết nơi nào cảnh đẹp, yên vui, cụ mách cho tôi, sau này khi nào bình yên, tôi muốn về ở đấy .
Ông Hoàng Đạo Thuý rất xúc động, nói:
- Thưa Cụ, núi rừng chỗ nào ngắm cũng đẹp, còn ở yên và vui thì tôi có biết mấy nơi vùng bờ sông Lô, sông Hồng dưới kia, nơi ấy đất bãi, cảnh đẹp, người thuần, mà trồng ngô thì tốt lắm.
Sau này, Bác Hồ vẫn không có điều kiện thực hiện ao ước bình thường của mình là “Khi đất nước yên hàn, được vui thú non xanh nước biếc”. Nhưng khi tuổi đã cao, Bác thường qua lại, nghỉ ngơi ở vùng ngã ba sông Lô, sông Đà, nơi mà cảnh đẹp giống như lời ông Hoàng Đạo Thuý miêu tả.
Nhung Nguyễn - ST
Iame sưu tầm

"Ta không ăn thì đồng bào ăn"

Sau khi nhân dân tổng khởi nghĩa giành được chính quyền. Hồ Chủ tịch đã đã ra lời kêu gọi “Chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”. Người hô hào đồng bào ra sức tăng gia sản xuất không để một tấc đất hoang hoá. Tuân theo lời dạy của Hồ Chủ tịch, nhân dân ta đã tận dụng triệt để diện tích, trồng khoai trên các ụ đất chiến đấu, vỡ đất khi hoang trồng sắn, một số vườn hoa ở công sở đã trở thành những luống rau xanh.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bác lên Việt Bắc, nay ở bản này, mai ở làng khác nhưng Bác vẫn duy trì việc tăng gia sản xuất, phát động thi đua trồng rau, đặt giải thưởng cho “chiến sỹ tăng gia”, định tiêu chuẩn  trọng lượng rau mỗi người phải nộp cho nhà bếp.

Cuối năm 1949, vườn su hào, bắp cải của các chiến sỹ cảnh vệ đang phát triển. Anh em thỉnh thoảng lại sang thăm các luống rau của Bác “tìm hiểu” cách chăm bón của Bác để áp dụng và ngấm ngầm thi đua với Bác.

Đang trông chờ một vụ bội thu thì có lệnh di chuyển cơ quan. Các chiến sỹ cảnh vệ kháo nhau:

- “Không biết cái ông nào đạo diễn oái oăm thế...”. Anh em bảo đành là “gặt lúa non” vậy, định bụng trước hôm đi sẽ “ nhổ hết” giải quyết “chiến trường”. Có anh còn nêu sáng kiến bí mật vào vườn của Bác “tận thu” ớt, non, già, xanh, đỏ... và cả rau thơm. Và muốn làm được việc này phải đi “trinh sát”.

Một anh lân la vào buổi chiều, giả vờ tạt qua vườn của Bác. Anh thấy Bác đang xới đất, đặt hạt trồng bầu, bí, mướp...Mừng quá, anh “trinh sát” về báo tin “không di chuyển” nữa đâu!

- Ai bảo thế?
- Đấy “sang” mà xem Bác đang trồng rau mới.

Tiểu đội trưởng nghi nghi, ngờ ngờ, đích thân đến kiểm tra nguồn tin.
- Thưa Bác cơ quan không chuyển nữa ạ?
- Chuyển chứ sao lại không?
-Vì cháu thấy Bác đang trồng bầu...nên nghĩ rằng cứ ở đây.

Bác đứng lên rồi tủm tỉm cười nói:

- Các cháu sao lại nghĩ ngắn vậy. Ta cứ trồng, rau lên xanh, ta không ăn, đồng bào ăn, lo gì. Mà con đường này các chú còn qua lại. Ra tết không có rau, đến mà xin đồng bào. Mà này, chớ có mà cắt su hào non đấy!

Tiểu đội trưởng lè lưỡi:
- Cài gì ông Cụ này cũng biết trước.

Nguyễn Văn Khoan
Bác Hồ với chiến sỹ tập 3
NXB Quân đội nhân dân, NXB TRẻ năm 2000

Món ăn đặc biệt

Hồi đầu kháng chiến, ở Việt Bắc đời sống cán bộ rất kham khổ. Nhiều khi không đủ gạo nói gì đến thức ăn. Bác Hồ cũng vui vẻ chịu đựng như mọi người.

Mỗi lần có họp hành, cán bộ nhân viên thường phải chia nhau đi câu cá, săn bẫy thú nhỏ để kiếm thêm chút chất tươi.

Lần ấy, vào năm 1949, Ban thường vụ Trung ương họp ở Tân Trào. Anh em vệ binh cùng rủ nhau đi tìm, nhưng những người đi săn đều về không, những người đi câu cũng vậy, vì trời mưa to quá, cá không cắn mồi.

Đến bữa ăn, các đồng chí thường vụ cùng anh em làm việc ở cơ quan cùng quây quần quanh những chiếc “bàn” tre (cắm cọc xuống đất, trên đặt cái liếp). Trong rá thì chỉ toàn lá sắn do cơ quan tăng gia, loáng thoáng mới có vài hạt cơm. Còn món thức ăn duy nhất là măng rừng chấm muối. Thế mà  mọi người vẫn ăn ngon lành, chuyện trò rôm rả.

Như sực nhớ ra điều gì, Bác Hồ gọi đồng chí thư ký ngồi bàn bên bảo:

- Hôm nay có khách; chú lấy món “đặc biệt” ra.

Mọi người chưa hiểu “món đặc biệt” là gì, thì người thư ký đã đưa ra một cái ống tre, nút chặt...Bác mở nắp ống, chia cho mỗi người một ít thức ăn mầu đỏ, thơm nức. Đó là thứ “thịt hộp Việt Minh”, Bác thường dùng khi đi công tác xa, chế biến bằng một cân thịt lợn thái nhỏ vụn, kho với một cân muối và một cân ớt tươi, bỏ vào ống tre, đậy kín, có thể để rất lâu.

Bác bảo:

- Chú nào không ăn được cay nhiều thì đừng dùng món này lẫn với măng. Các chú nên tập ăn ớt vì ớt có rất nhiều sinh tố.

Kháng chiến gian khổ, thiếu thốn, nhưng mỗi lần về quây quần bên Bác như thế này, ai cũng cảm thấy đầm ấm, vui vẻ...

 (Theo “chiến đấu trong vòng vây”
của Đại tướng Võ Nguyên Giáp)
Iame sưu tầm

Bát chè xẻ đôi

Theo đ/c Thuỷ Xuân kể:

Đồng chí liên lạc đi công văn 10 giờ đêm mới đến.

Bác gọi mang ra một bát, một thìa con. Rồi Bác đem bát chè đậu đen, đường phên mà anh em phục vụ vừa mang lên, xẻ đôi cho đồng chí liên lạc.

- Cháu ăn đi.

Thấy đồng chí liên lạc ngần ngại, lại có tiếng đằng hắng bên ngoài, Bác giục:

- Ăn đi, Bác cùng ăn...

Cảm ơn Bác, đồng chí liên lạc ra về. Ra khỏi nhà sàn, xuống sân, đồng chí cấp dưỡng bấm vào vai đồng chí thông tin:

- Cậu chán quá. Cả ngày Bác có bát chè để bồi dưỡng làm đêm mà cậu lại ăn mất một nửa.

- Khổ quá anh ơi!Em sung sướng gì đâu. Thương Bác, em vừa ăn vừa xót nước mắt, nhưng không ăn lại sợ Bác, mà ăn thì biết cái chắc là các anh mắng mỏ rồi ...

Theo Thuỷ Xuân

Bác Hồ con người và phong cách, NXB Lao động 1999
Iame sưu tầm

"Tay đứt Ruột xót"

Vào khoảng tháng 9, tháng 10 năm 1949, lúc đó Phủ Chủ tịch còn đóng ở Lập Binh, tỉnh Tuyên Quang. Một buổi sáng trời đẹp, đến phiên tôi bảo vệ Bác.

10 giờ sáng, nắng đã trải vàng trên các nương rẫy, tôi vào phòng làm việc của Bác.

Tôi hơi ngạc nhiên vì cảm nhận thấy trên nét mặt Bác đọng một vẻ buồn.

- Thưa Bác, hôm nay Bác không khoẻ ạ?

Bác không trả lời và đưa cho tôi một tờ Cứu Quốc:

- Chú xem đi, giặc đã cho máy bay ném bom nhà thờ Bùi Chu – Phát Diệm. Thật là một tội ác ghê tởm. Tay đứt ruột xót, máu của đồng bào mình chảy, ai mà chẳng đau lòng.

Tôi cầm tờ báo đọc. Trên hàng chữ lớn: “Giặc Pháp cho máy bay ném bom nhà thờ Bùi Chu – Phát Diệm để giết hại hàng trăm đồng bào công giáo”, tôi thấy gạch đỏ ở những chỗ Bác chú ý.

Đọc xong, tôi cảm thấy ngôi nhà vắng lặng. Ngẩng đầu tôi thấy Bác đang quay mặt về phía trong, tay cầm khăn...

Tôi cũng lặng người đi và tiếp tục đọc nốt bài báo. Chờ cho tôi đọc xong, Bác nói:

- Chúng ta phải làm việc hết mình để đẩy nhanh cuộc kháng chiến mau đến thắng lợi cho đồng bào lương giáo thoát khỏi nỗi đau này. Chú cầm tờ báo về đọc cho mọi người nghe.

Nguyễn Hữu Kháng kể

       Bác Hồ con người và phong cách

       NXB Lao Động, 1999
Iame sưu tầm

Diễn Giả được phép thay đổi chỗ

Tối ngày 2-9-1949, Bác sang Văn phòng Trung ương Đảng nói chuyện nhân kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 4.

Bấy giờ hội trường là một cái nhà to bằng nứa không có bàn ghế. Bác ngồi xuống trước và bảo mọi người ngồi theo. Những vị có chức có quyền trong Văn phòng, những anh khoẻ mạnh, nhanh chân tranh nhau ngồi vây quanh Bác, còn phụ nữ bận con cái, các cô mẫu giáo phải ngồi sau tất cả. Bác không nói gì, cứ lặng im cho mọi người đến đông đủ.

Khi được báo cáo anh chị em đã đông đủ rồi, Bác nói:

- Để ổn định trật tự cho buổi “diễn thuyết” được thành công, các cô các chú phải ngồi đúng vị trí của mình. Riêng diễn giả được phép thay đổi chỗ.

Mọi người còn đang ngơ ngác thì Bác đứng dậy đi xuống phía sau, bảo mọi người quay lại và Bác bắt đầu ngay.

Thế là mấy chục chị em, tưởng phải ngồi cuối hội trường hoá ra ngồi hàng trên, ngay cạnh Bác. Các chị vui sướng nở nụ cười rạng rỡ và đưa ánh mắt như ''chế giễu” chúng tôi.

Trong buổi nói chuyện Bác lấy ví dụ:

- Ta như con voi non càng đánh càng mạnh. Địch như con trâu điên càng đánh càng kiệt sức. Đến một lúc nào đó thì nhất định con voi non sẽ  quất ngã con trâu điên.


Đào An Thái kể Hồ Vũ ghi

Bác Hồ con người và phong cách NXB Lao động 1999.
Iame sưu tầm

Đêm rằm trên sông phó đáy

Trưa hôm ấy, tôi di chuyển công văn vừa về đến cơ quan, được đồng chí Trung và đồng chí Định cho biết là tối nay Bác Hồ sẽ đi chơi, chúng mình chuẩn bị mọi mặt cho Bác. Tôi hơi ngạc nhiên về tin đó. Bác đi chơi tối? đi đâu? Ra cơ quan Chính phủ để bàn việc gì chăng?

Lâu nay thấy Bác ít đi đêm. Hôm nay mới thấy Bác đi mà lại nói là đi chơi, nên tôi và một số đồng chí khác đều ngạc nhiên và có nhiều phán đoán.

Mỗi lần đi đâu, Bác vẫn bảo chúng tôi chuẩn bị và cũng không bao giờ cho biết rõ là đi đâu, chỉ khi nào sắp lên đường thì Bác mới nói. Và mỗi lần đi đâu, Bác thường chỉ định người đi cùng  Bác. Nhưng lần này chỉ có lệnh chung, nên chúng tôi càng ngạc nhiên.

Anh em chúng tôi là người bảo vệ Bác, nên mỗi lần Bác đi đâu đều phải chuẩn bị tốt những công việc của mình. Đồng chí Trung nấu cơm nếp với đỗ xanh, băn khoăn mãi không biết lấy gì làm thức ăn. Đồng chí Trung lo Bác phải đi xa nên thịt một con gà và rán rất cẩn thận. Thấy đồng chí Trung thịt gà rán, ai cũng bảo nhất định đi xa mới cơm nắm như vậy. Nhưng cũng thấy lạ: không thấy Bác bảo chuẩn bị ngựa mà lại thấy mấy đồng chí tập trung vào buộc lại cái bè mảng cẩn thận. Trên mảng kê thêm một lượt nứa nữa làm thành một cái giường ngồi được hẳn hoi.

Chúng tôi lại đoán là đêm nay Bác đi câu. Vì lúc khác, thỉnh thoảng Bác cũng đi câu vào những buổi chiều sau giờ làm việc. Nghĩ vậy thôi, thực ra mỗi người cũng tự hiểu đêm trăng sáng như vậy câu làm sao được, mà Bác cũng thừa biết.

Công việc chuẩn bị của chúng tôi đã đâu vào đấy. Trăng cũng vừa nhô lên đầu núi. Đêm nay là đêm rằm tháng tám ta, nên ánh trăng như dịu hiền, mát mẻ hơn. Không biết ở những nơi khác như thế nào, riêng ở ven sông Đáy này đêm ấy mặt trăng, dòng nước và vài đám mây trắng lững lờ trôi như quyện lấy nhau làm tăng thêm cảnh đẹp. Tôi dù chưa quen với cảnh trăng thu như vậy nhưng đếm ấy cũng thấy say cảnh.

Vừa lúc chúng tôi chuẩn bị xong, Bác từ nhà trên xuống bảo chúng tôi cùng Bác đi chơi Tết Trung thu! Anh em chúng tôi nghe vậy rất mừng. Nhưng nỗi lo của chúng tôi cũng hiện ra. Mừng là được cùng Bác đi chơi sông, lo là nước sông còn lạ bến lạ bờ. Chúng tôi lại là những người có trách nhiệm bảo vệ Bác. Nhưng dù sao anh em chúng tôi cũng cùng Bác bước chân xuống bè mảng.

Thế là đêm rằm tháng Tám năm 1949 ấy lần đầu tiên và cũng chỉ có một lần ấy, chúng tôi được cùng Bác đi chơi trên bè mảng giữa dòng sông Phó Đáy.

Đêm ấy, mặt nước sông Phó Đáy đã biết chiều lòng khách quý, nên rất phẳng lặng và dịu hiền. Tôi nhìn dòng sông như một con đường cái, mặt nước như mặt thảm nhung được trải giữa hai bờ. Tôi là người dân tộc Dao, xưa nay sống với núi rừng, bạn cùng hươu nai, khe suối. Vùng quê tôi không có con sông rộng và to như vậy. Nên đêm ấy nhìn núi, nhìn sông, nhìn trăng mà lòng tôi rạo rực lòng yêu mến đất nước. Tôi không phải nhà văn, nhà thơ, nên không biết tả cái cảnh giữa dòng sông Đáy mát mẻ này có một cái bè mảng của vị lãnh tụ dân tộc Việt Nam đang lững lờ trôi dưới ánh trăng rằm tháng Tám.

Nếu nhìn riêng dòng sông đêm nay thật là một đêm hoà bình đẹp đẽ. Nhưng hồi ấy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang vào thời kỳ quyết liệt. Khắp nơi đang chuẩn bị tổng phản công để quét sạch quân thù ra khỏi đất nước. Những tin thắng trận ở Sông Lô, Đèo Giàng...tin phá tề, diệt địch ở đồng bằng Bắc Bộ, ở Trị Thiên .v.v... đang bay về trên sông Đáy này. Và có lẽ những tin thắng trận đó đã đến làm cho lãnh tụ chúng ta vui mừng nên mới có đêm chơi trăng đẹp đẽ này.

Đấy là những suy nghĩ riêng của chúng tôi. Người đang cầm lái con thuyền Việt Nam kháng chiến đi qua những thác ghềnh nguy hiểm mà lại đang thanh thản như một nhà thơ - Sự thực Bác là một nhà thơ vĩ đại – vì nắm chắc con thuyền Việt Nam sẽ tới bến vinh quang.

Mảng đang trôi. Bác đề nghị mỗi người hát một bài. Đoàn người hôm đó có cả chị Mai nên chúng tôi đề nghị chị hát trước. Chị Mai vui lòng, không ai bảo ai, tự nhiên ai cũng biết cuộc vui bắt đầu. Giữa núi rừng có trăng, có nước...nghe giọng hát của một thanh nữ cất lên, mặc dù chưa phải là một giọng hát điêu luyện như văn công, nhưng cũng đã làm cho cảnh đêm trăng càng thêm đẹp đẽ. Chị Mai hát xong, chúng tôi hoan hô, cả bè mảng rung rinh theo. Bác lại nói vui:

- Giọng cô hát nhỏ quá, mới như con muỗi bay ngang tai!

Chúng tôi đề nghị chị Mai hát lại. Chắc chị Mai vì cảm động quá nên hát không được cao tiếng.

Bè mảng của chúng tôi tiếp tục trôi một quãng sông nữa, đến một khúc sông rộng, có vực sâu hơn, lúc này nhìn hai bên bờ sông xa xa...Trăng đã lên khá cao. Cả bề mặt của sông như không còn bóng tối của núi rừng nữa. Nhìn đôi bờ sông, núi soi mình dưới nước tạo thành hai bờ như núi nối liền với núi. Bè mảng lúc này trôi chậm hơn nhiều, gần như dừng lại. Nhìn lên trời có trăng, có sao, nhìn xuống dưới chân cùng có sao, có trăng. Đến quãng này Bác nói đại ý như sau:

- Đêm nay, khắp nơi các cháu đều vui chơi tết Trung thu...

Bác nói nhiều và nhắc đến nhiều các cháu ở các nơi. Khi Bác nhắc tới các cháu đang sống trong vùng địch kiểm soát, mọi người đều se lòng. Bác nói xong, lại đề nghị mỗi người ở đây góp vào làm một bài thơ. Bác đề xướng và đặt câu trước, rồi mỗi người góp vào một câu. Mọi người chúng tôi đều vui vẻ đồng ý. Tôi và một số đồng chí khác chưa biết làm thơ là thế nào, nhưng thấy vui quá, cũng đồng ý. Nói là mỗi người góp vào, nhưng thực tế lại là ý kiến của Bác nhiều.

Tôi rất tiếc hồi ấy chưa quan tâm đến thơ ca nên không biết ghi chép lấy. Tôi chỉ còn mang máng nhớ một số ý không thành câu thơ như sau:

.................................

Trên đầu có trăng soi

Dưới chân có trăng soi

Bồng bềnh giữa nước đoàn người ngắm trăng

Xa xa súng trận vang ầm

Ngày mai thắng giặc trăng rằm sáng hơn.

..............................

Bài thơ còn dài, nhưng tôi không nhớ nữa. Làm xong bài thơ, Bác đọc lại. Mọi người vui vẻ. Bác và chúng tôi mới lấy cơm nắm ra ăn trên bè mảng. Ăn cơm xong, chúng tôi chống mảng ngược dòng. Về tới nhà khoảng hơn mười giờ khuya.

Đêm ấy, tôi ngủ ngay trong phòng Bác. Đặt mình lên giường, tôi suy nghĩ nhiều về một đêm đi ngắm trăng với lãnh tụ – nhà thơ. Người bận trăm công nghìn việc vẫn dành những thì giờ ngắm trăng và nhớ các cháu thiếu niên, nhi đồng.

Nghĩ lại những lời Bác nhắc đến các cháu chơi Tết Trung thu, các cháu ở miền núi, các cháu đang ở vùng địch tạm chiếm...nghĩ bao nhiêu càng thấy lòng Bác quý các cháu bấy nhiêu. Từ đó, tôi càng hiểu sâu thêm hai chữ “Trung thu” mà Bác Hồ hằng nhắc nhở.

Hôm nay, miền Bắc đã hoà bình. Đúng là “ngày mai thắng giặc trăng càng sáng hơn”...

Nhìn lên trăng sáng, lòng tôi nhớ lại đêm rằm năm xưa. Nhìn ánh trăng toả khắp nơi nơi mà nhớ lại những lời thơ Bác còn vang vọng mãi...


Theo Triệu Hồng Thắng

Bác Hồ ở Việt Bác, NXB Việt Bắc, 1975

IAME sưu tầm

Giới thiệu khu di tích lịch sử Tân Trào

Tân Trào là khu di tích lịch sử của cách mạng Việt Nam thời kỳ Cách mạng tháng Tám. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Tân Trào là thủ đô lâm thời của khu giải phóng, nơi Ðảng Cộng sản Việt Nam tiến hành hội nghị toàn quốc ngày 13 tháng 8 năm 1945 để quyết định tổng khởi nghĩa. Ðại hội quốc dân đã họp tại đây ngày 16 tháng 8 năm 1945, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, bầu ra một chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm chủ tịch và quân giải phóng Việt Nam làm lễ ra quân.

Tân Trào là tên mới, được hợp nhất từ hai xã Tân Lập và Hồng Thái vào năm 1945 (trước đây còn gọi là Kim Long và Kim Châu).




Vị trí địa lý

Khu di tích lịch sử Tân Trào nằm trong một thung lũng nhỏ thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, cách Thành phố Tuyên Quang khoảng 41 km, cách Hà Nội khoảng 150 km, với diện tích khoảng 6.633 ha. Đây là vùng đồi núi thấp, có độ cao trong khoảng từ 95 đến 814 m. Khu vực này nằm trong lưu vực sông Đáy, sông này đổ vào sông Hồng tại Việt Trì.

Chiến khu Tân trào ghi đậm dấu ấn của cách mạng Việt Nam và ngày nay đây là một địa chỉ du lịch thu hút nhiều du khách.
Các địa danh nằm trong chiến khu

Đình Tân Trào là một đình nhỏ được xây dựng vào năm 1923 theo kiểu nhà sàn, cột gỗ, ba gian hai chái, mái lợp lá cọ, sàn lát ván, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá của dân làng. Đình thờ 8 vị thành hoàng làng đại diện cho các thần sông, thần núi của làng Tân Lập, xã Tân Trào. Dưới mái đình này, ngày 16 tháng 8 năm 1945 đã họp Quốc dân Đại hội để quyết định lệnh tổng khởi nghĩa, 10 chính sách lớn quy định quốc kỳ, quốc ca và cử ra một chính phủ lâm thời.

Đình Hồng Thái cách đình Tân Trào gần 1 km trên đường đi Sơn Dương, đình được xây dựng tại địa phận của làng Cả, xã Tân Trào. Năm 1919, đình có tên là đình Làng Cả hay đình Kim Trận. Đình Hồng Thái còn là trạm giao liên và là nơi huấn luyện quân sự trong suốt thời kỳ kháng chiến. Đình còn là điểm dừng chân của các đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội, là trạm thường trực của "An toàn khu của Trung ương đóng ở Tân Trào".
Đình Hồng Thái ATK Tân Trào

Lán Nà Lừa đây là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Lừa, cách làng Tân Lập gần 1 km về hướng đông, lán được dựng bằng tre theo kiểu nửa sàn, nửa đất của người miền núi, dưới các đám cây rậm rạp. Lán do đơn vị giải phóng quân dựng để Hồ Chí Minh ở và làm việc từ tháng 6 năm 1945 đến cuối tháng 8 năm 1945. Lán Nà Lừa có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Hồ Chí Minh nghỉ ngơi, còn gian ngoài là chỗ Hồ Chí Minh làm việc và tiếp khách. Tại đây, ngày 4 tháng 6 năm 1945, Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị cán bộ để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập khu giải phóng và Quân giải phóng, chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội.

Lán Nà lừa

 Cây đa Tân Trào cách đình Tân Trào khoảng 500 mét về phía Đông.
Dưới bóng cây đa này, chiều 16 tháng 8 năm 1945, Việt Nam Giải phóng quân đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 đại biểu. Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó hành quân về giải phóng Hà Nội.

Hang Bòng là nơi làm việc của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ và Hồ Chí Minh ở Việt Bắc trong thời kỳ chống Pháp (1946-1954). Hang cách không xa Hồng Thái, Tân Trào. Từ 1950 đến 1951, Hồ Chí Minh ở hang này, trực tiếp đi chỉ đạo chiến dịch Biên Giới (1950) và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai (tháng 2 năm 1951).

 Lán Hang Bòng Xưa khi Bác còn làm việc tại đây



Lán Hang Bòng nay được trùng tu lại

Ngoài ra, khu di tích Tân Trào còn có những di tích có giá trị lịch sử và du lịch khác như: Bản Khuổi Kịch, đình Thanh La, Vực Thia, làng Tân Lập, lán Cảnh Vệ - Điện Đài, lán Đồng Minh, sân bay Lũng Cò, đèo Chắn, Đồng Man - Lũng Tẩu, Khấu Lẩu - Vực Hồ, Ban Tuyên huấn Trung ương, hang Thia, hang Bòng, thôn Lập Binh, xã Trung Yên (Hầm bác Tôn Đức Thắng), hầm An toàn của Bác, hầm Trung ương Đảng, hầm Chính phủ và Bảo tàng Tân Trào.

Iame wiki

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | GreenGeeks Review